1. Khái niệm phân số
Ta gọi `a/b`, trong đó `a,b in ZZ` , `b ne 0` là phân số, `a` là tử số (tử), `b` là mẫu số (mẫu) của phân số. Phân số `a/b` đọc là `a` phần `b`
Ví dụ:
Phân số `-2/7` có tử số là `-2`, mẫu số là `7` và được đọc là “âm hai phần bảy”
Chú ý: Ta có thể dùng phân số để ghi (viết, biểu diễn) kết quả phép chia một số nguyên cho một số nguyên khác `0`.
Ví dụ:
Phân số `-7/4` là ghi kết quả phép chia `-7` cho `4`
2. Phân số bằng nhau
Hai phân số `a/b` và `c/d` được gọi là bằng nhau, viết là `a/b = c/d`, nếu `a.d = b.c`
Ví dụ:
`(-4)/(-12) = 2/6` vì `(-4).6=(-12).2` (cùng bằng `-24`)
Chú ý: Điều kiện `a.d=b.c` gọi là điều kiện bằng nhau của hai phân số `a/b` và `c/d`
3. Biểu diễn số nguyên ở dạng phân số
Mỗi số nguyên `n` có thể coi là phân số `n/1` (viết `n/1=n`). Khi đó số nguyên `n` được biểu diễn ở dạng phân số `n/1`.
Ví dụ:
`-15/1=-15; 121=121/1`