1. Dấu gạch ngang.
Dấu gạch ngang trong câu được dùng để:
+ Đánh dấu chỗ bắt đầu lời nói của nhân vật trong đối thoại:
Ví dụ:
Thấy tôi đang run rẩy không dám lên tiếng, thầy chủ động lại gần vỗ vai tôi rồi nói:
- Cố lên, em có thể làm được mà.
+ Đánh dấu phần chú thích:
Ví dụ:
Con hi vọng món quà nhỏ này có thể làm bố bớt nhức đầu – Pa-xcan nói.
+ Đánh dấu các ý trong một đoạn liệt kê:
Ví dụ:
Những việc cần làm trong ngày:
- Nấu cơm.
- Dọn nhà.
- Trông em.
- Hoàn thành bài tập về nhà.
2. Mở rộng vốn từ: Cái đẹp
Một số từ ngữ thường được dùng để chỉ cái đẹp
+ Vẻ đẹp của con người:
- Vẻ đẹp bên ngoài của con người: xinh đẹp, xinh tươi, xinh xắn, rực rỡ, yểu điệu, thướt tha, xinh xinh, lộng lẫy,…
- Vẻ đẹp nội tâm của con người: thuỳ mị, dịu dàng, hiền dịu, lịch sự, tế nhị, nết na, ngay thẳng, bộc trực, dũng cảm, khảng khái,….
+ Vẻ đẹp của thiên nhiên:
Huy hoàng, tráng lệ, diễm lệ, mĩ lệ, hùng vĩ, kì vĩ, hùng tráng, hoành tráng,…
Một số câu tục ngữ nói về nét đẹp bên trong và phẩm chất bên ngoài của con người:
- Cái nết đánh chết cái đẹp: Người nết na hơn người có nhan sắc.
- Chữ như gà bới: ( Chữ như cua bò sàng): Chữ viết quá xấu, không thành chữ.
- Đẹp người đẹp nết: Người bề ngoài đẹp, tính nết cũng tốt.
- Mặt hoa da phấn: người phụ nữ đẹp như hoa và trắng trẻo như thoa phấn.
- Mặt ngọc da ngà: người phụ nữ đẹp và trắng trẻo.
- Mặt tươi như hoa: Khen người luôn tươi tỉnh và đẹp.
- Người thanh tiếng nói cũng thanh/Chuông kêu khẽ đánh bên thành cũng kêu. Ca tụng những người ăn nói thanh nhã, lịch sự.
- Trông mặt mà bắt hình dong/Con lợn có béo cỗ lòng mới ngon: Nhìn bề ngoài cũng biết được tính nết như thế nào.
- Tốt gỗ hơn tốt nước sơn: Sơn là vẻ bề ngoài. Nước sơn tốt mà gỗ xấu thì đồ vật cũng chóng hỏng. Con người tâm tính tốt còn hơn chỉ đẹp mã bề ngoài.
- Xấu người đẹp nết: Người bề ngoài xấu nhưng tâm tính tốt