1. Luyện từ và câu
1.1. Kiến thức về từ và câu:
a, Câu kể Ai làm gì?
Câu kể Ai làm gì? thường gồm hai bộ phận:
- Bộ phận thứ nhất là chủ ngữ, chỉ sự vật, (người, con vật hay đồ vật, cây cối được nhân hóa); trả lời cho câu hỏi: Ai ( cái gì, con gì)?, thường do danh từ, (cụm danh từ) tạo thành.
- Bộ phận thứ hai là vị ngữ, nêu lên hoạt động của người, con vật ( hoặc đồ vật, cây cối được nhân hóa) trả lời cho câu hỏi: Làm gì?, thường do động từ, (cụm động từ) tạo thành.
VD: Chị tôi đan nón lá cọ để xuất khẩu.
b, Câu kể Ai thế nào?
Câu kể Ai thế nào? gồm có hai bộ phận:
- Bộ phận thứ nhất là chủ ngữ, chỉ sự vật; trả lời cho câu hỏi: Ai ( cái gì, con gì)?,
thường do danh từ, (cụm danh từ) tạo thành.
- Bộ phận thứ hai là vị ngữ, trả lời cho câu hỏi: Thế nào?, chỉ đặc điểm , tính chất hoặc trạng thái của sự vật; thường do tính từ, động từ, (cụm tính từ, cụm động từ) tạo thành.
VD: Chị tôi rất xinh.
c, Câu kể Ai là gì?
Câu kể Ai là gì? thường gồm hai bộ phận:
- Bộ phận thứ nhất là chủ ngữ, chỉ sự vật, trả lời cho câu hỏi: Ai ( cái gì, con gì)?, thường do danh từ, (cụm danh từ) tạo thành.
- Bộ phận thứ hai là vị ngữ, nối với chủ ngữ bằng từ là, trả lời câu hỏi: Là gì ?, thường do danh từ, (cụm danh từ) tạo thành.
VD: Chị tôi là sinh viên đại học Y.
1.2. Mở rộng vốn từ
+ Mở rộng vốn từ Tài năng – Sức khoẻ
- Người ta là hoa đất
- Nước lã mà vã lên hồ/Tay không mà nổi cơ đồ mới ngoan
- Những hoạt động có lợi cho sức khỏe: tập luyện, ăn uống điều độ, ngủ đủ giấc, đi bộ, …
- Những đặc điểm của một cơ thể khỏe mạnh: vạm vỡ, nhanh nhẹn, dẻo dai, săn chắc, lực lưỡng, rắn rỏi, cường tráng, …
+ Mở rộng vốn từ Cái đẹp
- Cái nết đánh chết cái đẹp: Người nết na hơn người có nhan sắc.
- Chữ như gà bới: ( Chữ như cua bò sàng): Chữ viết quá xấu, không thành chữ
- Đẹp người đẹp nết: Người bề ngoài đẹp, tính nết cũng tốt.
- Mặt hoa da phấn: người phụ nữ đẹp như hoa và trắng trẻo như thoa phấn.
- Mặt ngọc da ngà: người phụ nữ đẹp và trắng trẻo.
- Mặt tươi như hoa: Khen người luôn tươi tỉnh và đẹp
- Người thanh tiếng nói cũng thanh/Chuông kêu khẽ đánh bên thành cũng kêu: Ca tụng những người ăn nói thanh nhã, lịch sự
- Trông mặt mà bắt hình dong/Con lợn có béo cỗ lòng mới ngon: Nhìn bề ngoài cũng biết được tính nết như thế nào.
- Tốt gỗ hơn tốt nước sơn: Sơn là vẻ bề ngoài: Nước sơn tốt mà gỗ xấu thì đồ vật cũng chóng hỏng. Con người tâm tính tốt còn hơn chỉ đẹp mã bề ngoài.
- Xấu người đẹp nết: Người bề ngoài xấu nhưng tâm tính tốt.
+ Mở rộng vốn từ dũng cảm
- Một số từ cùng nghĩa với dũng cảm
Gan dạ, anh hùng, anh dũng, can đảm, can trường, gan góc, gan lì, bạo gan, quả cảm,…
- Một số từ trái nghĩa với dũng cảm
Nhát gan, nhút nhát, hèn nhát, đớn hèn, hèn mạt, nhu nhược, hèn hạ,…
- Một số thành ngữ nói về dũng cảm
+ Vào sinh ra tử: trải qua nhiều trận mạc, đầy nguy hiểm, kề bên cái chết.
+ Gan vàng dạ sắt: gan dạ, dũng cảm, không nao núng trước khó khăn nguy hiểm.
3. Tập làm văn
a) Dàn ý bài văn miêu tả đồ vật
+ Mở bài
Giới thiệu đồ vật được miêu tả (đó là đồ vật nào? em có đồ vật đó trong hoàn cảnh nào?)
+ Thân bài
- Tả bao quát toàn bộ đồ vật (hình dáng, kích thước, màu sắc, chất liệu, cấu tạo,…)
- Tả những bộ phận có đặc điểm nổi bật (có thể kết hợp thể hiện tình cảm, thái độ của người viết với đồ vật)
+ Kết bài
Nêu cảm nghĩ với đồ vật định tả
b) Dàn ý bài văn miêu tả cây cối
+ Mở bài: Tả hoặc giới thiệu bao quát về cây
+ Thân bài: Tả từng bộ phận của cây hoặc tả từng thời kì phát triển của cây
+ Kết bài: Có thể nêu lợi ích của cây, ấn tượng đặc biệt hoặc tình cảm của người tả với cây
Mở bài gián tiếp
Mở bài gián tiếp là mở bài đi từ một vấn đề khác rồi mới dẫn vào đối tượng cần miêu tả.