1. Tập hợp
Khái niệm tập hợp thường gặp trong Toán học và trong đời sống.
Ví dụ:
- Tập hợp các số tự nhiên nhỏ hơn `8`;
- Tập hợp các học sinh của lớp `6A`;
- Tập hợp đồ dùng học tập có trong cặp sách.
2. Kí hiệu và cách viết tập hợp
- Thường dùng chữ cái in hoa để đặt tên cho một tập hợp: `A; B; C; D; ...`
- Các phần tử trong tập hợp được viết trong hai dấu ngoặc nhọn `{}`; cách nhau bởi dấu ";".
- Mỗi phần tử được liệt kê một lần, thứ tự liệt kê tùy ý.
Ví dụ: Tập hợp `A` gồm các số tự nhiên nhỏ hơn hoặc bằng `8`.
`A = { 0; 1; 2; 3; 4; 5; 6; 7; 8}`
Các số `0; 1; 2; 3; 4; 5; 6; 7; 8` được gọi là các phần tử của tập hợp `A`.
3. Phần tử thuộc tập hợp
Kí hiệu: `in` : thuộc; `notin` : không thuộc
Ví dụ:
- Số `2` là một phần tử thuộc tập hợp `A`. Ta viết: `2 in A`.
- Số `10` là một phần tử không thuộc tập hợp `A`. Ta viết `10 notin A`.
- Tương tự như vậy: `3 in A; 6 in A; 7 in A; 20 notin A; 100 notin A; ...`
4. Cách cho một tập hợp
Có `2` cách cho một tập hợp:
Cách `1`: Liệt kê các phần tử của tập hợp;
Cách `2`: Chỉ ra tính chất đặc trưng cho các phần tử của tập hợp.
Ví dụ 1: Tập hợp `B` gồm các số tự nhiên chẵn nhỏ hơn `10`
Cách `1`: `B = {0; 2; 4; 6; 8}`
Cách `2`: `B = {x| x` là số tự nhiên chẵn`; x < 10}`
Ví dụ 2: Tập hợp `C` gồm các số tự nhiên lớn hơn `5`, nhỏ hơn `15` và chia cho `3` dư `1`.
Cách `1`: `C = {7; 10; 13}`
Cách `2`: `C = {x | x` là số tự nhiên chia `3` dư `1; 5 < x < 15}`