1. Hình chóp
Hình chóp là hình có:
+ Mặt đáy là một đa giác.
+ Các mặt bên là những tam giác có chung một đỉnh. Đỉnh chung này gọi là đỉnh của hình chóp.
+ Đường thẳng đi qua đỉnh và vuông góc với mặt phẳng đáy gọi là đường cao.
Trong hình trên hình chóp `S.ABCD` có đỉnh là `S`; đáy là tứ giác `ABCD`
Ta gọi đó là hình chóp tứ giác.
2. Hình chóp đều
Hình chóp đều là hình chóp có đáy là một đa giác đều, các mặt bên là những tam giác cân bằng nhau có chung đỉnh (là đỉnh của hình chóp)
+ Chân đường cao của hình chóp đều trùng với tâm của đường tròn đi qua các đỉnh của mặt đáy.
+ Đường cao vẽ từ đỉnh của mỗi mặt bên của hình chóp đều được gọi là trung đoạn của hình chóp đó.
Trong hình trên, `S.ABCD` là một hình chóp đều, trong đó:
+ Đáy `ABCD` là hình vuông;
+ Các mặt bên `SAB; SBC; SCD; SDA` là những tam giác cân bằng nhau
Ta gọi `S.ABCD` là hình chóp tứ giác đều.
3. Hình chóp cụt đều
Hình chóp cụt đều là phần hình chóp đều nằm giữa mặt phẳng đáy của hình chóp và một mặt phẳng song song với đáy và cắt hình chóp.
+ Mỗi mặt bên của hình chóp cụt đều là một hình thang cân.
Trong hình vẽ trên ta có:
`S.ABCD` là một hình chóp đều mà mp `(A'B'C'D')` song song với đáy.
Khi đó `A'B'C'D'.ABCD` là một hình chóp cụt đều
Mỗi mặt bên của hình chóp cụt đều `A'B'C'D'.ABCD`
Chẳng hạn `A'B'BA` là một hình thang cân.
4. Các công thức tính diện tích, thể tích
a) Diện tích xung quanh của hình chóp đều
Diện tích xung quanh của hình chóp đều bằng tích của nửa chu vi đáy với trung đoạn:
`S_(xq)=p.d` (`p`: nửa chu vi đáy, `d`: trung đoạn của hình chóp đều)
b) Diện tích toàn phần của hình chóp
Diện tích toàn phần của hình chóp bằng tổng của diện tích xung quanh và diện tích đáy:
`S_(tp)=S_(xq)+S_(đáy)`
c) Thể tích của hình chóp đều
Thể tích của hình chóp bằng một phần ba của diện tích đáy nhân với chiều cao:
`V=1/3S.h` (`S`: diện tích đáy, `h`: chiều cao)