1. Xác suất của biến cố
Xác suất là gì?
Khả năng xảy ra của một biến cố được đo lường bởi một số nhận giá trị từ `0` đến `1`, gọi là xác suất của biến cố đó.
Nhận xét: Xác suất của một biến cố càng gần `1` thì biến cố đó càng có nhiều khả năng xảy ra. Xác suất của một biến cố càng gần `0` thì biến cố đó càng ít khả năng xảy ra.
Ví dụ:
- Xác suất để xuất hiện mặt sấp khi gieo một đồng xu cân đối là `1/2` (hay `50%`)
- Xác suất để xuất hiện ba chấm khi gieo con xúc sắc cân đối là `1/6`
2. Xác suất của một biến cố đơn giản
Xác suất của biến cố chắc chắn, biến cố không thể
- Khả năng xảy ra của biến cố chắc chắn là `100%`. Vậy biến cố chắc chắn có xác suất bằng `1`.
- Khả năng xảy ra của biến cố không thể là `0%`. Vậy biến cố không thể có xác suất bằng `0`.
Ví dụ:
- Xác suất của biến cố A: “Mặt trời mọc ở phía Đông” bằng `1` vì `A` là biến cố chắc chắn.
- Xác suất của biến cố B: “Tháng `7` có `29` ngày” bằng `0` vì B là biến cố không thể.
Xác suất của các biến cố đồng khả năng
Gieo một đồng xu cân đối. Xét hai biến cố sau:
A: “Đồng xu xuất hiện mặt ngửa”
B: “Đồng xu xuất hiện mặt sấp”
Do đồng xu cân đối nên biết cố A và biến cố B có khả năng xảy ra như nhau. Ta nói hai biến cố A và B là đồng khả năng.
Vì chỉ xảy ra hoặc biến cố A hoặc biến cố B nên xác suất của biến cố A và xác suất của biến cố B bằng nhau và bằng `1/2`
Ví dụ: Có một vòng quay may mắn gồm `5` ô, trong đó có `1` ô trúng thưởng. Tính xác suất để Thủy quay được ô trúng thưởng.
Giải:
Vì quay vào các ô ngẫu nhiên nên khả năng quay vào các ô là như nhau. Ta nói `5` biến cố này là đồng khả năng. Xác suất để Thủy quay được vào ô trúng thưởng là `1/5`