Trước tiên phải nói rằng, trong tất cả các bài thi Toán điều kiện thì bài thi của chuyên Khoa học Tự Nhiên (KHTN) là khó nhất khi nội dung hoàn toàn là nâng cao và thậm chí độ khó không khác gì một đề thi chuyên toán.
Vì vậy, với chuyên KHTN chúng ta cần định nghĩa lại về bài thi toán vòng `1`, vì cụm từ "toán điều kiện" có thể chưa phản ánh đúng mức độ của bài thi này.
Xét về cấu trúc, đề toán vòng `1` của chuyên Khoa học Tự Nhiên có thể chia ra các dạng sau:
`-` Phương trình vô tỉ.
`-` Hệ phương trình (đối xứng, đẳng cấp...)
`-` Số học: Chứng minh chia hết, Phương trình nghiệm nguyên (Sử dụng tính chất chia hết, chia có dư, tính chất số chính phương ...)
`-` Hình học
`-` Bất đẳng thức
`-` Tổ hợp
Như vậy, có thể thấy, các dạng bài trong đề toán vòng `1` của chuyên KHTN hoàn toàn là các dạng bài của toán chuyên. Ngay cả các bạn học và thi chuyên Toán, để đạt được `7` điểm ở đề này cũng không hề đơn giản. Chính vì vậy, với các bạn không thi chuyên toán hay chỉ học đơn thuần toán Sở thì có khi nhìn vào đề thấy toàn các bài ... chưa gặp bao giờ và bài thi toán KHTN thực sự là ám ảnh của nhiều bạn.
Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn trở thành `1` thành viên của ngôi trường này, thì phải biết cách vượt qua nỗi sợ đó. Dù là khó, nhưng đề toán của KHTN luôn có cấu trúc được lặp lại hàng năm, và nếu học tập trung đúng dạng, cũng như có chiến lược đúng đắn thì sẽ thành công.
Vậy chiến lược dành cho các bạn không học chuyên toán ở bài thi toán vòng `1` của chuyên KHTN là gì?
`-` Trước hết, cần xác định rằng, không nên tham vọng đạt điểm số `8` hay `9`. Nếu như thi Toán điều kiện của Sở, ngưỡng điểm `9` hay `9,5` là ngưỡng điểm chúng ta luôn kỳ vọng thì ở Toán điều kiện của trường Tự nhiên, đạt `6` hay `7` điểm đã có thể coi là thành công, hay thực tế là nếu điểm môn chuyên ổn thì Toán vòng `1` chỉ cần qua mức điểm liệt, tức là `4` điểm cũng đủ đỗ.
Ví dụ như chuyên Sinh, chuyên Hóa của trường thường lấy `17,5 - 18` điểm; tức là nếu môn chuyên được `7` thì Toán `4` điểm là đạt, vì `7 xx 2 + 4 = 18` (lưu ý dưới `4` là liệt và môn Văn không tính vào điểm xét hệ chuyên). Tất nhiên, mọi tính toán chỉ mang tính tương đối, nhưng nhìn chung với các bạn không thi chuyên Toán, chúng ta hãy đặt ra kỳ vọng từ `5 - 6` điểm cho môn Toán điều kiện, còn phấn đấu cao hơn nữa thì càng tốt.
`-` Tiếp theo, để có được `5-6` điểm đó, chúng ta cần tập trung vào những dạng bài nào? Sẽ có những bài tập mà có lẽ ngay từ đầu nên xác định không quá hy vọng, hay thậm chí "bỏ qua" như câu hỏi về Bất đẳng thức, câu `c` hình và nhất là câu Tổ hợp. Hãy dồn sức vào những câu vừa sức và "dễ" kiếm điểm hơn, cụ thể như sau:
`+` Phương trình vô tỉ và hệ phương trình:
`2` câu này sẽ không quá khó và thường cho vào những dạng bài có phương pháp giải phổ biến như: biến đổi tương đương, đặt ẩn phụ, phương pháp thế, hệ phương trình đối xứng ... Giải quyết xong `2` câu này là được `4` điểm, đủ qua mức liệt và thậm chí cũng có thể là đủ để thi đỗ.
`+` Số học:
Phần này thường sẽ có `1` câu về phương trình nghiệm nguyên dạng cơ bản khi chỉ cần sử dụng phép chia đa thức, phân tích thành nhân tử ....
Hãy cố kiếm được từ `0,5 - 1` điểm.
`+` Hai ý `a, b` của bài Hình: Ý `a` thì gần như cho điểm. Ý `b` cũng không phải quá khó, thường sẽ vận dụng luôn kết quả ở ý `a` để làm tiếp ý `b`.
Hai ý này để kiếm được từ `1 - 2` điểm là hoàn toàn vừa sức.
Như vậy, nếu làm tối đa được các ý trên thì có thể đạt `7` điểm (gần như an toàn), còn không thì trừ hao đi sẽ là `5 - 6` điểm (cơ hội đỗ vẫn khá cao nếu điểm môn chuyên cũng từ `6,5` trở lên).
Cứ cố gắng viết thật nhiều vì các thầy cô chấm điểm chuyên KHTN sẽ không quá máy móc, đôi khi chưa ra kết quả mà hướng đi đúng thì vẫn cá kiếm được những điểm số quan trọng. Nếu còn thời gian thì tiếp tục thử sức ở các câu khó hơn.
Nhìn chung, với các bạn không thi chuyên Toán thì đề toán điều kiện của chuyên KHTN là một đề khó, thậm chí rất khó, nhưng không đòi hỏi học sinh phải làm hết, chúng ta chỉ cần đặt mục tiêu và vượt qua được khoảng `40% - 60%` số bài là đã có thể đỗ được rồi. Vì vậy, một bạn học sinh có kiến thức chắc chắn, được ôn luyện đúng dạng và biết phân phối sức hợp lý ở các bài toán "vừa miếng" thì cơ hội để trở thành một thành viên của ngôi trường danh tiếng này là vô cùng rộng mở.